THƯỜNG SƠN-Dichroa febrifuga Lour., họ Tú cầu (=họ Thường Sơn-Hydrangeaceae).

THƯỜNG SƠN

 

Tên khoa học của cây thường sơn: Dichroa febrifuga Lour., họ Tú cầu (=họ Thường Sơn-Hydrangeaceae).

Thường sơn còn gọi là: khởi tía, tê quân, nam thường sơn, bạch thường sơn, thường sơn tía, hoàng thường sơn, thực tất, áp niệu thảo, kê niệu thảo.

Tên tiếng anh: Antifebrile dichroa

Chú thích về tên: Dichroa có nghĩa là hai màu, febrifuga: đuổi sốt. Vì thân và lá thường sơn có 2 màu tím đỏ và xanh lại có tác dụng chữa sốt rét nên có tên đó.

Đặc điểm thực vật

Thường sơn là một loài cây nhỡ, cao 1 – 2m, thân rỗng, dễ gãy, vỏ ngoài nhẵn, màu tím. Lá mọc đối, hình mác hai đầu nhọn, dài 13 – 20 cm, rộng 3,5 – 4 cm, mép có răng cưa, mặt trên xanh, mặt dưới và gân tím đỏ, không có lông hoặc hơi có lông. Hoa nhỏ màu xanh lam hay hồng, đài hợp, có 4 – 7 răng, nhiều nhị. Hoa mọc thành chùm nhiều hoa ở kẽ lá hay đầu cành. Quả mọng, khi chín có màu xanh lam, đường kính 5mm, một ngăn, chứa nhiều hạt nhỏ hình quả lê, có mạng ở mặt, dài không đầy 1mm.

Phân bố và thu hái và chế biến

Cây Thường Sơn mọc hoang rất nhiều ở các tỉnh miền rừng núi nước ta: Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Tây… Cây thường mọc trong rừng, khe suối, bên lề đường.

Ở Trung Quốc cũng có mọc hoang và được trồng để lấy rễ và lá dùng làm thuốc và xuất khẩu. Thu hái rễ vào tháng 8 – 10, đào về rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con rồi phơi hay sấy khô. Có thể tẩm rượu 2 – 3 giờ, sao vàng hoặc chưng với rượu.

Thu hoạch lá: Hái quanh năm nhưng tốt nhất vào lúc cây sắp và đang ra hoa. Hái về rửa sạch. Có thể dùng tươi hay phơi khô hoặc thái nhỏ, đem sao vàng hay chưng với rượu, hoặc tước bỏ hết sống lá rồi đồ chín phơi khô, khi dùng tẩm rượu một đêm rồi sao qua.

Bộ phận dùng:

Lá (Folium Dichroae) và Rễ (Radix Dichroae).

Lá: hình mác, có cuống, mép có răng cưa.

Rễ: hình trụ, cong queo, dài 10 – 30 cm, đường kính 1 – 2 cm. Mặt ngoài vàng nâu hoặc nâu xám có các vết dọc và vết của rễ con, có chỗ vỏ bị tróc ra, để lộ gỗ màu vàng nhạt, trên cùng còn vết gốc thân. Vị này rắn chắc như xương nên còn gọi là kê cốt thường sơn. Mặt cắt ngang có màu vàng nhạt, tia gỗ hình nan hoa màu trắng. Trong thân rễ có tủy màu trắng hoặc rỗng. Không mùi, vị hơi đắng.

Thành phần hóa học

Trong lá có 0,2%, rễ có 0,1% alcaloid toàn phần

Tại các nước, thường sơn là đề tài được nghiên cứu kỹ về mặt hoá học cũng như dược lý từ năm 1946.

Trong các năm 1946-1948 các tác giả Triệu Thạch Dân, Chuyên Phú Vinh, Trương Xương Thiệu  đã lấy được từ thường sơn các chất sau:

 

  1. Dichroin- α C10H21(19)O3N3  độ chảy 136ºC
  2. Dichroin–β C16H21(19)O3N3  độ chảy 146ºC
  3. Dichroin–γ C16H21(19)O3N3  độ chảy 160ºC

Năm 1948, Kuehl  đã chiết được từ Thường sơn một số alcaloid với những tính chất sau đây:

  1. Dichroin A  C16H19O3N3    độ chảy 131-132ºC
  2. Dichroin B  C16H19O3N3    độ chảy 140-142ºC

Năm 1947 v à 1949, Koepfli đã chiết được các alcaloid đặt tên là:

  1. Febrifugin C1619O3N3     độ chảy 139-140ºC
  2. Isofebrifugin C1619O3N3     độ chảy 128-130ºC

Gần đây người ta đã phát hiện Dichroin-α là Isofebrifugin; còn Dichroin–β là Febrifugin.

Những alcaloid trong thường sơn đều là dẫn xuất của nhân quinazolin có 3 dạng α, β, γ. Nhiệt độ, chất kiềm hay acid hoặc dung môi đều có ảnh hưởng và thay đổi các alcaloid thành các dạng khác nhau. Trong 3 dạng đó thì dichroin γ có tác dụng chữa sốt rét mạnh nhất.

Khi đun nóng Dichroin-α biến thành dạng  Dichroin–β;  Dichroin-α và  Dichroin–β là những chất không có tác dụng quang hoạt.

Ngoài ra còn có Dichroidin (C18H25O3N3), 4-quinazolin (C8H6ON2), umbelieron (= Dichroin A) và Dichroin B (có độ chảy  179-181 ºC).

Tác dụng và công dụng

β-dichroin và nhất là γ-dichroin có tác dụng chữa sốt rét mạnh hơn quinin do đó được dùng để chữa sốt rét, sốt cách nhật. Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc. Dùng sống hay gây nôn. Theo kinh nghiệm nhân dân, để bớt gây nôn cần tẩm rượu và sao. Người ta thường dùng thường sơn phối hợp với các vị khác để chữa sốt rét, sốt.

www.duoclieu.org 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội

Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.

Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.

Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *