Rắn

RẮN

Rắn là một dược liệu quí, được nhân dân ta dùng làm thuốc từ lâu. Trên thế giới có khoảng 1.000 loài rắn, trong đó có 410 loài rắn độc. Ở Việt Nam có 195 loài rắn, trong đó có 41 loài rắn độc, 17 loài rắn trên cạn, 24 loài rắn biển và 116 loài rắn nước. Trong chương trình này chúng tôi trình bày những loài rắn được dùng làm thuốc ở Việt Nam và trên thế giới.

1. Họ Rắn hổ (Elapidae)

Họ này gồm 11 loài, chúng ta cần biết một số loài sau đây:

Rắn hổ mang

Tên khác là rắn hổ mang bành, rắn hổ lửa, rắn đeo kính, rắn hổ đất, rắn hổ mang thường (khác với rắn hổ mang chúa).

Tên khoa học: Naja naja L., họ Rắn hổ – Elapidae.

Đặc điểm của rắn: Rắn hổ mang bành dài khoảng 1 – 2 m, tiết diện thân hình tam giác, đầu không phân biệt với cổ, khi bị tấn công hay bị kích thích nó ngẩng đầu cao khỏi mặt đất, cổ banh to ra, hiện rõ một nửa vòng tròn hoặc hai vòng tròn màu trắng. Lưng có màu xám đen hoặc nâu đen hay vàng lục, có thể có vạch ngang nhỏ, hơi sáng, đặc biệt ở cá thể non, cổ có một mắt kính ở mặt lưng, bụng trắng nhạt nổi lên những vạch ngang. Đôi khi rắn có màu trắng hoàn toàn (bạch xà) do bị biến dị loạn sắc. Rắn có nọc rất độc.

Rắn hổ mang chúa còn gọi là: nhãn kính vương xà – Naja hannah Bourret (Phiophagus hannah Cantor), thân dài 3 – 4 m, có khả năng bạnh cổ, nhưng không bằng rắn hổ mang thường. Lưng rắn trưởng thành có màu vàng lục hay nâu, đôi khi có màu đen chì. Rắn non có thể có màu đen, có nhiều vạch ngang sáng, ở cỗ có chữ A màu vàng nhạt, trên đầu có 3 vẩy chẩm lớn, vẩy má thiếu.

Rắn hổ mang chúa 
Rắn hổ mang chúa

Hổ mang chúa khác hổ mang thường ở chỗ: hổ mang chúa dài hơn hổ mang thường (hổ mang chúa chỉ dài khoảng 4 m, trong khi đó hổ mang thường chỉ dài khoảng 1 m), độ bạnh ít hơn hổ mang thường, vẩy dưới đuôi phía trước một hàng, phía sau xếp hai hàng dọc, còn hổ mang thường thì vẩy dưới đuôi xếp hai hàng.

Hổ mang chúa tấn công người khi canh tổ, bảo vệ con. Lượng nọc độc làm chết người là 12 mg, tức là độc hơn nọc độc của hổ mang thường.

Phân bố: Ở nước ta rắn hổ mang sống ở hầu hết mọi nơi, chúng ở hang chuột, hang mối, ở đồng ruộng, làng mạch, vườn tược, bờ đê, gò đống dưới gốc cây, trong bụi tre. Trong nhiều trường hợp, hổ mang bò vào hang chuột, nuốt chủ nhà, chiếm lấy hang.

Thức ăn: Hổ mang kiếm ăn vào ban đêm, chúng ăn chuột, rắn, thằn lằn, cóc và ếch…

Lột xác: Hổ mang lột xác quanh năm, nhưng nhiều nhất vào tháng 8, 12, 1, 2 của năm sau.

Sinh sản: Hổ mang giao phối vào tháng 4, đầu tháng 5, đẻ trứng vào tháng 6 và 7, nhưng chủ yếu vào tháng 6. Mỗi con đẻ khoảng 6-20 trứng (Hổ mang chúa đẻ 20-30 trứng, tức là đẻ nhiều trứng hơn hổ mang thường). Con cái quấn lấy trứng để bảo vệ (hổ mang chúa: cả bố và mẹ hoặc là chỉ có mẹ nằm gần trứng để bảo vệ). Vào tháng 8, trứng nở. Thời gian nở từ 50-57 ngày. Rắn con mới nở có khả năng bạnh cổ và cắn chết người.

Rắn hổ mang thường không chủ động tấn công cắn người, chỉ khi bị người dẫm phải nó, bị người dẫm phải cành cây mà cành cây này nằm đè lên rắn, thì rắn cắn người để bảo vệ. Ban ngày, hổ mang lành hơn ban đêm. Rắn non thường dữ hơn rắn trưởng thành.

Lượng nọc độc làm chết người là 15 mg.

Rắn cạp nong

Tên khác: Rắn đen vàng, rắn hổ lửa, rắn ăn tàn, rắn cạp nong (tên gọi của miền Bắc), rắn mai gầm (miền Nam).

Tên khoa học: Bungarus fasciatus Schneider.

Đặc điểm: Là loại rắn lớn, dài khoảng 1 – 2 m. Thân có khoanh đen, khoanh vàng xen kẽ. Khoanh đen bằng hoặc rộng hơn khoanh vàng một chút. Tiết diện thân hình tam giác, thân có 15 hàng vẩy, nút duôi tù, thiếu vẩy má.

Rắn cạp nong
Rắn cạp nong

Phân bố và nuôi rắn: Cạp nong là loài rắn được phân bố rộng rãi ở đồng bằng và trung du.

Trên thế giới có phổ biến từ miền bắc Ấn Độ qua Myanma đến nam Trung Quốc (Hồng Kông, đảo Hải Nam), Malaysia, Thái Lan, Indonesia và ở các đảo Sumatra, Giava, Boocneo, Siak.

Sinh thái: Rắn cạp nong thường sống ở những nơi cao ráo như bờ vùng, bở thửa, đường trục, gò đống, mồ mả, bãi tha ma. Chúng thường ở những nơi cao nhưng gần nước, những bờ ao ven làng, bờ mương, máng, tiểu, trung thủy nông. Chúng thường ở trong những hang chuột đã bỏ đi, đôi khi ở những hố, những nơi đê điều nứt sụt. Rắn cạp nong thường ở đơn độc trong hang, chỉ khi mùa lạnh mới thấy chúng ở 2-3 hay 4 con trong một hang.

Lột xác: Cũng như các loài rắn khác, rắn cạp nong lột xác quanh năm, nhưng chủ yếu vào tháng 12, 1, 2. Chúng thường lột xác ở trong hang.

Ban đêm chúng đi kiếm ăn, chúng ăn liu điu, rắn mòng, rắn sãi và nhái…, ban ngày ở ẩn trong hang. Rắn cạp nong có thể giao phối trong hang vào tháng 3 và đẻ trứng vào tháng 4-6. Chúng đẻ từ 6-15 trứng ở trong hang, các trứng dính vào nhau thành cụm hoặc nhiều cụm. Rắn mẹ quấn lấy trứng trong thời gian ấp. Rắn mẹ trong thời gian mang trứng vẫn đi kiếm ăn. Rắn cạp nong chậm chạp, ít cắn người, nhưng vì nọc rất độc, nên khi đã cắn người thì rất khó chữa.

Rắn cạp nia

Rắn cạp nia
Rắn cạp nia

Tên khác: Rắn đen trắng, rắn hổ lửa, rắn cạp nia (miền Bắc), rắn mai gầm bạc (miền Nam).

Tên khoa học: Bungarus candidus L.

Đặc điểm của rắn cạp nia: Cạp nia là một loại rắn lớn, có chiều dài 1 m trở lên, lưng có những khoanh đen hoặc nâu, xem kẽ với những khoanh trắng. Những khoanh đen không nối liền với bụng. Khoanh trắng hẹp hơn khoanh đen. Sống lưng tròn, không có gờ nổi như cạp nong có 15 hàng vẩy quanh thân, nút đuôi nhọn, thiếu vẩy má, mặt dưới đuôi chỉ có một hàng vẩy.

Phân bố: Rắn cạp nia là một trong những loài rắn phổ biến nhất ở đồng bằng và trung du. Trên thế giới: phổ biến ở Ấn Độ, Myanma, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Sumatra, Giava.

Rắncạp nia thường ở và hoạt động những nơi cao ráo, gần nước như bờ vùng, bờ thửa, các ven đường cái lớn, bờ mương máng, bờ ao có lũy tre. Chúng ở trong hang chuột, các hốc sâu… Chúng thường ở đơn độc, chỉ trong mùa khô lạnh chúng mới ở ghép 2-3…

Lột xác: Chúng lột xác quanh năm, nhưng chủ yếu vào tháng 12 và tháng 1 năm sau. Chúng đi ăn đêm, thường ăn trạch đồng, lươn, chuột và cả rắn.

Rắn cạp nia giao phối vào tháng 1-2, đẻ trứng vào tháng 5-6, trung bình từ 9-16 trứng. Rắn cạp nia quấn lấy trứng để bảo vệ. Trứng nở vào tháng 7-8. Rắn cạp nia chậm chạp, thường chỉ cắn người khi bị tấn công.

Nọc rất độc, độ độc gấp 4 lần nọc độc của rắn hổ mang.

  1. Họ Rắn nước (Colubridae)

Rắn ráo

Tên khác: Hổ chuối, hoàng tiêu xà, rắn săn chuột.

Tên khoa học: Ptyas korros Schlegel (Zamenis mucosus L.), họ Rắn nước – Colubridae.

Đặc điểm của rắn ráo: Rắn ráo nhỏ, dài tới 2 m, màu nâu xám hay lục xám. Bụng nhạt hơn hay màu trắng ngà. Chúng hay leo trên các cành cây hay lũy tre để bắt chuột. Rắn không có nọc độc.

 

  Rắn ráo

3. Họ Rắn biển (Hydrophildae)

Rắn biển

Tên khác: Đẹn, đẻn biển, đẻn, hèo.

Rắn biển có khoảng trên 50 loài, loài nhỏ nhất dài khoảng 0,50 m, loài lớn nhất có thể dài tới 3 m, phân bố từ vịnh Pexcxich đến bờ biển Nhật Bản, phía nam đến châu Úc, phía đông đến đảo Amoan ở Thái Bình Dương…

Ở Việt Nam có 13 loài rắn biển, dọc bờ biển phía Bắc có 9 loài:

– Đẹn cơm – Lapemis hardwickii Gray.

– Đẹn cạp nong kim – Hydrophis fasciatus Schneider

– Đẹn khoanh – H. cyanocintus Daudin

– Đẹn vết – H. ortatus Gray

– Đẹn khoanh cổ mảnh – H. brookii Gunther

– Đẹn bụng vàng – H. coerulescens Shaw

– Đẹn đầu nhỏ – Microcephalophis gracilis Lesson

– Đẹn vẩy bụng không đều – Praesculata viperina

– Đẹn sọc dưa – Pelamis platurus L. và các loài phân bố ở bờ biển phía nam

– Đẹn đuôi gai – Aipyrusu eydouxi Gray

– Đẹn mõm nhọn – Kerilia jerdoni Gray

– Đẹn mỏ – Enhydrina schistosa Daudin

– Đẹn đầu vẩy phân – Kolpophis annandalei Laidlaw

Đây là những loài rắn độc, sống ở biển hay cửa sông, có cấu tạo thích nghi với điều kiện sống ở nước: đuôi càng về phía sau càng bẹt như mái chèo. Đầu nhỏ, lỗ mũi nằm ở trên miệng, có nắp đậy ngăn không cho nước lọt vào khoang mũi. Nọc rất độc, cắn chết người. Các loài được dùng làm thuốc thường là: Đẹn cơm, Đẹn khoanh, Đẹn vết…

Các loài trên đều thuộc họ Rắn biển – Hydrophiidae.

a. Đẹn cơm

Tên khoa học: Lapemis hardwickii Gray

Họ Rắn biển – Hydrophiidae.

Đặc điểm: Đẹn cơm dài khoảng 1 – 2 m, đầu tương đối rộng, có thể có vệt vàng qua mõm, lưng màu xah nhạt hay màu vàng lục…

Phân bố: Ở nước ta loài rắn biển thường sống ở cửa sông, hay gần bờ với độ sâu khoảng 70 m. Trên thế giới thường gặp từ vịnh Bangan đến bắc Nhật Bản, phía nam đến châu Úc và Ghine.

Nọc rất độc, lượng nọc độc ở mỗi cá thể tuy rất ít (khoảng 2 mg) nhưng nguy hiểm chết người. Tuy vậy nọc độc của rắn này ít độc hơn nọc độc của đẹn mỏ.

b. Đẹn vết

Tên khoa học: Hydrophis ortatus Gray

Họ Rắn biển: Hydrophiidae

Đặc điểm: Đẹn vết có cơ thề không dài quá 1 m, đầu to, lưng màu sáng nhạt, đôi khi màu trắng, có những dải ngang sẫm hay những vết hình thoi, khoảng cách giữa các dải hay vết hẹp.

Phân bố: Ở nước ta, đẹn vết có ở khắp các vùng biển, ở miền Bắc nhiều nhất ở vịnh Bắc bộ gần đảo Hải Nam. Trên thế giới gặp nhiều ở vịnh Poexich, đảo Riukiu, Đài Loan, Trung Quốc, Tân Ghine và bắc Úc.

Đẹn vết không đẻ hàng năm, mà đẻ từ tháng 11 – tháng 2 năm sau.

Nọc rất độc. Đẹn vết cắn chết người.

c. Đẹn cạp nong kim

Tên khác: Đẹn cạp đầu nhỏ, đẹn kim, đẹn đốm.

Tên khoa học: Hydrophis fasciatus Schneider

Họ Rắn biển – Hydrophiidae

Đặc điểmĐẹn cạp nong kim có đầu nhỏ, phần trước cơ thể mảnh, phần sau lớn và dẹt bên, đường kính phần lớn nhất bằng từ 2-4 lần phần cổ. Vẩy bụng phân biệt rõ. Đầu và phần trước cơ thể có màu đen hay vàng lục sẫm, với những vạch ngang màu vàng nhạt trên lưng…

Phân bố: Ở nước ta đẹn cạp nong kim phân bố rộng rãi từ vịnh Thái Lan đến vịnh Bắc Bộ, chúng ăn cá chình. Chúng không sinh sản hàng năm mà có lẽ cách năm, thường đẻ vào tháng 12 – 2 năm sau; trứng bắt đầu phát triển từ tháng 6 – 7, số phôi bị hỏng chừng 50%.

Lượng nọc độc rất ít, mỗi con chừng 1 mg. Độc tính bằng độc tính của nọc độc đẹn mỏ.

Bộ phận dùng

Nhiều bộ phận của rắn được dùng làm thuốc:

– Thịt rắn ( nhục xà).

– Nọc rắn

– Mật rắn (xà đởm)

– Mỡ rắn

– Xác rắn (xà thoát)

Thành phần hóa học

– Thịt rắn: Các công trình nghiên cứu về thịt rắn đã công bố trong thịt rắnc cạn có chứa các protid, các acid amin, trong đó có rất nhiều acid amin cần thiết cho cơ thể lycin, leucin, arginin, valin, nhiều acid amin khác như: cystin, cystein, isoleucin, serin, histidin, conitin, prolin, valin, tyrosin, treolin, acid glutamic, acid aminobutyric, lipid và saponosid. Thịt rắn biển về cơ bản giống thịt rắn cạn, chỉ khác acid amin sau đây: glycin, ornitin, hydroxyprolin.

– Xác rắn: Những công trình nghiên cứu của nước ngoài đã cho biết trong xác rắn có các chất: kẽm oxyd, titan oxyd và một số loài rắn có flavonoid.

– Mật rắn: Mật rắn to bằng hạt ngô, mật rắn hổ mang có màu xanh thẫm, mật rắn cạp nong có màu xanh nâu, mật rắn ráo có màu xanh lá cây. Mật rắn là chất lỏng sánh, không đắng như mật của các loài động vật khác, khi nếm, lúc đầu chỉ thấy hơi đắng, sau có vị hơi ngọt, mùi thơm. Mật rắn có các thành phần hóa học sau đây: Nhiều acid mật: Acid cholic, a.ursodesoxycholic, a. glycocholic, a.hydrosodesoxycholic, a. β-fokecholic, ngoài ra còn chứa các chất: cholesterin, taurin, a.palmitic, a.stearic… và có thể có bitocholic.

Các acid mật này có công thức hóa học như sau:

+ Nếu ở C7, C12 đều có OH đó là a. cholic.

+ Nếu ở C8 có OH đó là a. hydroxydesoxycholic.

+ Nếu vòng A/B cis, có OH ở C7 đó là a. ursodesoxycholic.

+ Nếu có OH ở C8, và C23 đó là a. β – fokecholic.

Tác dụng và công dụng:

Thịt rắn là vị thuốc bổ, dùng để chữa các bệnh thần kinh đau nhức, tê liệt thần kinh bất toại, các cơn co giật, nhọt độc…

Các loại rượu rắn hay dùng

Tam xà: Gồm 3 loại rắn: hổ mang 1 con, cạp nong 1 con và rắn ráo 1 con.

Ngũ xà: Gồm các loại rắn: hổ mang 1 con, cạp nong 1 con, cạp nia 1 con, hổ trâu 1 con và rắn ráo 1 con. Có người dùng rắn sọc dưa thay cho rắn hổ trâu, có người dùng 2 rắn ráo thay cho hổ trâu.

Hiện nay người ta còn dùng thất xà, nghĩa là trong một bình rượu rắn có 7 con.

Phương pháp điều chế rượu rắn:

Có nhiều phương pháp chế rượu rắn, sau đây chúng tôi giới thiệu một trong các phương pháp đó: Bắt rắn, rạch bụng, bỏ hết phủ tạng (mật để riêng). Sau khi lau sạch cả trong lẫn ngoài giấy bản có tẩm cồn hay rượu, cho rắn vào bình, đổ rượu 400 hay cồn 700 vào bình đến khi ngập rắn. Ngâm 100 ngày đêm đem dùng. Thông thường người ta ngâm phối hợp với một bài thuốc Bổ huyết trừ phong, Rượu phong tê thấp hay bài Thập toàn đại bổ…

Thí dụ ngâm một bộ tam xà: Dược liệu ngâm riêng, rắn ngâm riêng.

Hoặc làm rắn như trên, rồi chặt rắn ra từng khúc dài 4 – 5 cm, tẩm với nước gừng, nước cho vàng thơm, rồi ngâm rượu như trên.

Điều chế rượu rắn theo phương pháp này thì đỡ tanh.

Các dược liệu thường dùng là:

Hà thủ ô đỏ 32 g Kê huyết đằng 48 g
Thiên niên kiện 32 g Cẩu tích 32 g
Ngũ gia bì 32 g Huyết giác 32 g
Tiểu hồi 32 g Trần bì 10 g

Các dược liệu trên ngâm rượu 1 tháng, rồi chắt rượu ra, trộn với rượu rắn để dùng.

Ngâm 1 – 3,4 tháng. Uống chữa phong tê thấp, đau lưng, nhức xương, chân tay mệt mỏi, bổ máu, thông huyết. Ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần 1 chén (20 – 30 ml).

Rượu rắn hổ mang

Có tác dụng hoạt lạc giảm đau, dùng cho các bệnh, xương đau nhức, phong tê thấp.

Bạch hoa xà nhục

(Thịt rắn hổ mang)

6 g Qui thân 12 g
Ngũ gia bì 12 g Khương hoạt 8 g
Thiên ma 12 g Tần giao 12 g
Phòng phong 12 g

Dạng thuốc ngâm rượu.

Phụ nữ có thai không được dùng.

Rượu rắn (Bộ tam xà)

Rắn hổ mang – Naja naja 1 con
Rắn cạp nong – Bungarus fasciatus 1 con
Rắn ráo – Zamenis mucosus 1 con
Cẩu tích 80 g Vỏ quýt (trần bì 30 g)
Kê huyết đằng 120 g Ngũ gia bì 80 g
Thiên niên kiện 80 g Tiểu hổi 30 g
Đường kính 660 g Cồn 600 3 – 4 lít
Cồn 400 vđ 10 lít

Điều chế: Rắn bỏ đầu, lột da, bỏ hết ruột, gan, mật để riêng, chặt rắn thành từng khúc rồi tẩm gừng, tẩm rượu, rồi ngâm rượu ngay hay sấy khô. Ngâm trong 100 ngày với khoảng 3 – 4 lít rượu 600 cùng với vỏ quýt, tiểu hồi đã tán thành bột mịn vừa, quấy hàng ngày đến khi đủ ngày, gạn, lọc, ép lấy rượu rắn.

Cẩu tích bỏ lông cùng với dược liệu còn lại tán thành bột mịn vừa, ngâm với 5 lít cồn 400 trong 10 ngày, khuấy hàng ngày, rồi gạn, ép, lọc lấy rượu thuốc.

Gộp hai dịch trên thành một hỗn hợp, thêm đường và cồn 400 cho đủ 10 lít. Rượu này có tác dụng trừ phong thấp. Dùng trong trường hợp bị phong tê thấp, đau xương, nhức cơ, bán thân bất toại, chân tay đổ mồ hôi, người già yếu, lao động nhiều, gặp thời tiết thay đổi đau nhức gân xương. Ngày dùng 15 – 20 ml trước khi đi ngủ.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không nên dùng.

Người ta còn dùng thịt rắn dưới dạng thuốc hoàn, thuốc bột…

Nọc rắn

Nọc rắn rất độc, chất độc thuộc loại zootoxin, bản chất của nọc rắn là protein, albumin, kẽm có hàm lượng cao, Mg, enzym hoặc là peptid. Cobratoxin là chất độc có trong nọc rắn hổ mang. Nọc rắn có tác dụng chống viêm rất mạnh, dùng để chữa thấp khớp, đau nhức, làm thuốc giảm đau cho người bị ung thư, hạn chế sự phát triển của khối u (cần được nghiên cứu).

Người ta dùng nọc rắn dưới dạng thuốc tiêm, thuốc mỡ. Nhiều biệt dược của các nước dùng làm thuốc cầm máu: Reptinaza, Venostat, Stiven, Lebetox; thuốc giảm đau: Nora, Norin, Cobratoxin, Viperalgin, Vipraxon, Vipratox, Viprasal. Ở nước ta đã sản xuất thuốc mỡ nọc rắn, biệt dược là Najatox, là thuốc xoa bóp có tác dụng chống viêm, giảm đau, chữa thấp khớp, đau cơ, viêm cơ và các trường hợp viêm khớp mạn tính không đặc hiệu, đau dây thần kinh…

Phương pháp lấy nọc rắn

Phương pháp 1:

Bẳt rắn, để răng có nọc độc của rắn hổ mang tỳ vào một thành hộp kính petri, hoặc dụng cụ lấy nọc rắn, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ của tay phải bóp vào mang tai nghĩa là kích thích tuyến nọc độc nằm ở dưới da của mỗi bên mang tai, nọc rắn sẽ chảy vào răng độc rồi theo rãnh của răng độc chảy vào hộp petri hoặc dụng cụ lấy nọc rắn. Khi mới thu hoạch, nọc là chất lỏng, không màu, trong suốt. Sau khi làm khô nọc rắn chứa 50-70% nước và trở thành một khối lổn nhổn, có màu hơi vàng, có thể tán thành bột. Nọc rắn khô vẫn giữ được tác dụng như nọc rắn tươi. Mỗi một con rắn cho khoảng 0,25 ml. Thường lấy 4 – 5 con rắn vào 1 hộp petri.

Chú ý: Khi bóp hai tuyến nọc độc, cần bóp nhẹ nhàng tránh nọc rắn chảy ra lẫn cả dãi và máu, nọc rắn không đảm bảo chất lượng. Khi thấy lượng nọc rắn ra ít, lẫn máu thì phải ngừng ngay và thay hộp petri khác để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Lấy nọc rắn xong thả rắn vào lồng hay vườn nuôi ngay, chăm sóc rắn cẩn thận để rắn mau phục hồi. Mùa hè, mỗi con rắn lấy nọc 1 tháng 1 lần, mùa đông không nên lấy nọc rắn.

Phương pháp 2:

Bằng phương pháp kích thích điện:

Làm hai điện cực, mỗi điện cực áp vào một bên mang tai rắn. Kích thích bằng dòng điện xoay chiều 4-6 vôn hay bằng xung điện (dùng máy điện châm), nọc cũng tiết vào hộp petri hay dụng cụ lấy nọc rắn.

Làm khô nọc rắn

– Làm khô bằng vôi sống (CaO): Để 20 ml nọc rắn (đã tải mỏng dưới đáy hộp petri) vào một bình hút ẩm đã có 4 kg vôi sống mới ra lò, đậy nắp kín. Để 70-72 giờ nọc rắn sẽ khô.

– Cũng làm như trên: Để hộp petri có nọc rắn vào bình hút ẩm có chứa 2 kg CaCl2 trong 72 giờ nọc rắn sẽ khô. Nếu có máy hút ẩm thì mau khô hơn. Hoặc là cho hộp petri có nọc rắn vào bình hút ẩm có ssẵn silicagel và để như trên. Hoặc là sấy chân không ở áp suất 50 – 60 mmHg, ở nhiệt độc 40-600C trong 6 giờ.

Đóng gói vào bảo quản

Nọc rắn sau khi đã sấy khô cho vào ống thuỷ tinh trung tính, khô, đã tiệt trùng, hàn kín. Hoặc cho vào lọ penicilin đã tiệt trùng, nút kín, nẹp chắc, bên ngoài có gắn parafin.

Mật rắn

Mật rắn dùng để chữa ho, đau lưng, đau bụng, nhức đầu kinh niên. Ngày dùng 1-2 cái còn nguyên, mới lấy từ rắn ra, pha với một ít rượu để uống hoặc nuốt chửng (chú ý tránh độc).

Bảo quản mật rắn như sau:

Để nguyên cả túi mật phơi hay sấy khô, hoặc dịch mật ngâm với rượu, hoặc cồn 700, khi uống pha loãn 1 phần rượu mật, 2 phần nước đã đun sôi để nguội. Người ta nói mật rắn có giá trị gấp đôi thịt rắn.

Bài thuốc cổ truyền của y học phương đông Tam xà đởm trần bì gồm có: Mật của 3 loại rắn: Hổ mang, cạp nong hoặc cạp nia và rắn ráo, trần bì và nhiều vị thuốc khác. Dùng để chữa ho, đau bụng và tiêu chảy rất hiệu nghiệm. Một số người bị thấp khớp nặng: sưng, nóng, đỏ, đau, sốt nhẹ về mùa hè, uống rượu mật rắn ngày 3 lần, kết quả rất tốt.

Rượu mật rắn còn chữa hen mạn tính kết quả rất tốt.

Mỡ rắn

Dùng để chữa bỏng, chốc đầu trẻ em và làm chóng lên da non.

Phương pháp lấy mỡ rắn: Mỡ rắn thường tập trung ở chung quanh ống tiêu hoá làm thành từng khối màu trắng ngà. Do vậy người ta mổ bụng rắn ra, lấy kẹp kép khéo khối mỡ ra khỏi ống tiêu hoá.

Rán nhỏ lửa cho mỡ chảy ra hết, chắt lấy mỡ rắn cho vào chai, lọ màu, đậy nắp kín để nơi khô ráo, tránh ánh sáng.

Cách dùng: Bôi mỡ rắn nhiều lần lên vết bỏng, chỗ đầu bị chốc.

Xác rắn

Xác rắn dùng để chữa các chứng kinh nguy hiểm ở trẻ em, sát trùng, đau cổ họng, lở loét, thối tay chảy nước, chảy mủ.

Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày dùng 6 – 12 g, hoặc dùng bột mịn thổi vào tai để chữa thối tai.

www.duoclieu.org

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội

Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.

Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.

Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *